Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Chảy máu mũi

Chảy máu mũi là một trong những vấn đế sức khỏe thường gặp ở trẻ nhỏ. Khi bé chảy máu mũi, mọi người đều tìm đủ mọi cách để cầm máu. Tuy nhiên hầu hết chúng ta đã chưa xử trí đúng và hiệu quả trong trường hợp này.

ThS- BS Phạm Đình Nguyên-Bệnh Viện Nhi Đồng 1

Nguyên nhân chảy máu mũi:

Chảy máu mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi tuy nhiên thường tập trung chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi từ 2- 10 tuổi. Do sự phân bố của hệ thống mạch máu trong mũi, đa số các trường hợp chảy máu mũi đều có điểm chảy ở phần trước của mũi trong khi đó chỉ có khoảng 10% có điểm chảy nằm ở phía sau. Chảy máu mũi thường xảy ra vào buổi sáng hơn là các thời điểm khác trong ngày và thường xảy ra vào mùa đông hay mùa xuân khi thời tiết trở nên lạnh và khô

Để xác định chính xác nguyên nhân gây chảy máu mũi là một việc không đơn giản. Bởi lẽ có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi và các nguyên nhân này có thể xuất hiện riêng lẽ hay đồng thời trên cùng một trẻ. Chấn thương mũi là một trong nguyên nhân chính gây chảy máu mũi. Mũi có thể chảy máu do bị va chạm mạnh khi té ngã, đánh nhau hay đơn thuần chỉ do bé ngoáy mũi, xì mũi không đúng cách. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như tiếp xúc với môi trường nóng và khô quá lâu, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng, trẻ nhét vật lạ vào mũi, trãi qua các phẫu thuật ở vùng mũi, dùng một số thuốc để xịt mũi trong thời gian dài hay sử dụng thuốc kháng đông. Đôi khi chảy máu mũi là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, sốt xuất huyết rối loạn chức năng đông máu, bệnh lý gan- thận, ung thư máu, có khối u trong mũi….

Những biểu hiện thường gặp

Chảy máu mũi thường chỉ một bên mũi và rất ít khi chảy máu ở cả hai bên. Nếu chảy máu nhiều, máu sẽ chảy ngược ra sau để xuống họng. Khi đó trẻ có thể khạc ra máu, nôn ra máu hay tiêu ra máu do nuốt phải lượng máu này.

Nếu mất máu nhiều, trẻ có thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, lơ mơ, rối loạn tri giác… Tuy nhiên tình trạng này rất hiếm khi xảy ra trừ khi bé có những bệnh lý nguy hiểm khác đi kèm.

Xử trí khi bé chảy máu mũi: Khi trẻ bị chảy máu mũi, chúng ta thường cho trẻ nằm xuống giường hay ngữa cổ lên để cầm máu. Tuy nhiên việc này chưa chính xác bởi không những không mang lại hiệu quả cầm máu mà còn làm cho bé ói hay đi tiêu ra máu do nuốt phải máu chảy từ mũi xuống họng. Hơn nữa, khi làm như vậy chúng ta không thể đánh giá được chính xác được mức độ chảy máu nhằm có hướng xử trí thích hợp và đưa bé đến bệnh viện khi cần thiết.

Khi bé chảy máu mũi, bạn cần phải bình tình trấn an. dỗ dành để trẻ không hoảng sợ và hợp tác tốt hơn. Cho trẻ dựa lưng vào ghế hoặc ngồi vào lòng của bạn. Đầu trẻ hướng ra trước và hơi cúi xuống. Dùng ngón cái và ngón trỏ ép cánh mũi hai bên lại trong thời gian khoảng 10 phút. Bằng cách này mũi có thể ngưng chảy máu trong hầu hết các truờng hợp.

Đến bệnh viện đúng lúc:

Bạn cần hỏi ý kiến và đưa trẻ đến bệnh viện nếu bác sĩ yêu cầu trong trường hợp bé thường xuyên bị chảy máu mũi, chảy máu mũi đi kèm với tình trạng đi tiểu hoặc đi ngoài có máu, dễ bầm máu khi va chạm nhẹ hay thường xuất hiện những vết bầm máu tự nhiên, đang dùng thuốc kháng đông, đang hóa trị liệu hoặc có những bệnh đã được chẩn đoán trước như bệnh về máu, bệnh lý gan hay thận.

Cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện trong trường hợp chảy máu mũi không cầm sau 10 -20 phút dùng tay ép mũi đúng cách, chảy máu mũi lượng nhiều, ói ra máu, bé bứt rứt, quấy khóc nhiều, da niêm nhạt, tim đập nhanh, sốt cao, da nổi ban ….

Chẩn đoán và điều trị:

Để xác định chính xác nguyên nhân và đánh giá mức độ chảy máu, sau khi khám toàn diện bác sĩ sẽ thực hiện thêm những xét nghiệm cần thiết như công thức máu, chức năng đông máu và một sốt xét nghiệm chuyên biệt khác. Tùy theo nguyên nhân mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau bao gồm nhét bấc mũi để cầm máu tại chổ, dùng thuốc hay phẫu thuật.

Ngăn ngừa chảy máu mũi:

Nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu mũi, vào mùa đông lúc thời tiết lạnh và khô bệnh nên sử dụng thiết bị phun sương tạo ẩm trong nhà và dùng vaseline, mỡ kháng sinh, nước muối sinh lý để thoa hay nhỏ mũi cho bé nhằm giúp duy trì độ ẩm cho mũi.

Thường xuyên làm vệ sinh mũi cho trẻ và khuyên trẻ không nên xì mũi hay ngoáy mũi.

Cho trẻ kiểm tra sức khỏe định kỳ và thông báo cho bác sĩ tình trạng chảy máu mũi trong trường hợp bé đang dùng thuốc kháng đông hoặc đang dùng thuốc để điều trị những bệnh lý khác để các bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc và có biện pháp can thiệp thích hợp.

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE