Website đang hoàn thiện, mong Quý khách góp ý để chúng tôi phục vụ tốt hơn

Sứt môi hở vòm

Sứt môi - hở vòm là một dị tật bẩm sinh thường gặp chiếm tỷ lệ 1/1000 trẻ được sinh ra. Nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và giao tiếp hàng ngày của trẻ mà còn khiến các bé mặc cảm, tự ti và sống lặng lẽ, khép kín hơn.

ThS-BS Phạm Đình Nguyên- Bệnh viện Nhi Đồng 1

Tại sao trẻ bị sứt môi-hở vòm

Sự phát triển bất thường của bào thai trong ba tháng đầu thai kỳ gây ra nhiều dị tật bẩm sinh như sứt môi-hở vòm. Nguyên nhân tại sao trẻ bị dị tật khi sinh ra còn nhiều bàn cãi. Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng đây là kết quả của sự biến đổi của cấu trúc gen trước tác động của môi trường vì vậy nguy cơ sẽ rất cao nếu mẹ lớn tuổi, hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện, mắc bệnh truyền nhiễm trong lúc mang thai và dùng thuốc tùy tiện không theo chỉ định của bác sĩ nhất là trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ.

Làm gì khi phát hiện trẻ mắc bệnh

Trước đây, dị tật chỉ được phát hiện khi trẻ sinh ra.Ngày nay với sự phát triển của Y học, chúng ta có thể xác định những bất thường của thai nhi ở thời điểm rất sớm. Tùy theo mức độ dị dạng và những bệnh lý đi kèm, các bác sĩ cân nhắc và tư vấn cho thai phụ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ. Nếu dị dạng đơn thuần chỉ là sứt môi, hở vòm, người mẹ hoàn toàn có thể tiếp tục mang thai và khiếm khuyết này sẽ khắc phục sau khi trẻ được sinh ra.

Nuôi dưỡng trẻ bị sứt môi - hở vòm

Trẻ bị sứt môi hở vòm khó có thể bú và ăn uống được bình thường như những trẻ bình thường khác. Hơn nữa, sự thông thương giữa mũi và họng làm cho trẻ dễ bị hít sặc thức ăn, thường xuyên bị viêm tai giữa và viêm đường hô hấp. Do vậy việc nuôi dưỡng những bé này tương đối khó khăn. Khi cho trẻ ăn, cần cho bé nằm đầu cao, vắt sữa mẹ ra và dùng muỗng để đút từng thìa một. Nếu muốn cho trẻ bú bình, cần phải sử dụng bình đặc biệt dành riêng cho trẻ hở vòm. Loại bình này có đặc điểm mềm để có thể bóp hổ trợ với núm vú một bên được làm bằng nhựa cứng, bên còn lại là nhựa mềm để tạo áp lực âm giúp sữa dễ chảy ra trẻ bú. Để tiện kiểm soát lượng sữa chảy ra, núm vú cần được rạch hình chữ X hoặc chữ Y.

Phẫu thuật chỉnh hình

Ở một số nước, việc phẫu thuật có thể tiến hành ngày từ khi bé còn trong bụng mẹ với mong muốn mang lại sự bình thường cho bé ngay từ khi chào đời. Tại Việt Nam, bác sĩ có thể phẫu thuật thành công cho trẻ 7 ngày tuổi. Tuy vậy thời điểm lý tưởng nhất để có thể vá môi là lúc trẻ 3 tháng tuổi, có cân nặng từ 5kg trở lên và để vá vòm là khi trẻ được 12 tháng, có cân nặng trên từ 10kg.

Phẫu thuật chỉnh hình sứt môi hở vòm không chỉ khôi phục hoạt động bình thường của vùng mũi họng mà còn mang lại cho trẻ một vẻ đẹp tự nhiên do vậy đòi hỏi các bác sĩ phải xác định vị trí tạo vạt ở môi và mũi thật chính xác. Bởi lẽ nếu phẫu thuật viên không khéo tay và thuần thục trong thao tác trẻ sẽ bị sẹo xấu, chít hẹp vùng cửa mũi gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng và thẩm mỹ.

Chăm sóc trẻ sau mổ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của phẫu thuật. Bên cạnh việc cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ ,trẻ sau vá vòm cần được cho uống sữa bằng muỗng, tuyệt đối không được bú bằng bình hay bú mẹ trực tiếp. Trong thời gian đầu, cần cho trẻ ăn uống lõng nguội với các thức ăn mềm để tránh làm chảy hay bung chỉ vết mổ. Trẻ có thể trở lại ăn uống bình thường so với các bạn cùng trang lứa một tháng sau phẫu thuật.

Vết thương sau phẫu thuật và môi cần được giữ khô thoáng. Cần rửa tay trẻ sạch sẽ và tránh cho bé dùng tay chạm vào vết mổ. Thay băng mỗi ngày và dùng khăn vải mềm sạch lau nhẹ nhàng khi cần vệ sinh miệng cho bé.

Trẻ cần được tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và quay trở lại bệnh viện ngay khi có biểu hiện sốt cao, vết thương sưng tấy đỏ, chảy máu, hở vết mổ hay phát hiện lổ thủng ở vùng vòm mới được vá.

Luyện thanh sau phẫu thuật

Trẻ bị sứt môi hở vòm thường gặp khó khăn trong giao tiếp do phát âm không chuẩn. Để có thể nói rõ ràng, các bé cần phải được tham gia chương trình huấn luyện phát âm tại trung tâm Âm Ngữ Trị Liệu càng sớm càng tốt. Chương trình này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quỹ thời gian của cha mẹ bởi lẽ mỗi tuần bé chỉ cần đến trung tâm 2 lần để luyện giọng, mỗi lần thường không quá 30 phút. Tại đây, các chuyên gia không chỉ huấn luyện cho bé mà còn hướng dẫn kỹ thuật cho cha mẹ để có thể tận dụng thời gian nghỉ ngơi để tập luyện cho bé tại nhà.

XEM THÊM

KẾT NỐI

HOTLINE:
1900 638 008

  

CHAT ONLINE